Vai trò của cách đệm đàn piano
Cách đệm đàn piano là cách giúp giọng ca được nổi bật, chứ không phải lấn át mất giọng ca. Người đệm đàn sẽ phải biết tiết chế bản thân, thể hiện ở mức vừa đủ để người nghe cảm nhận được đầu tiên là giọng ca, sau đó là cả ca khúc.
Trong phần thể hiện ca khúc, sẽ xuất hiện các khoảng trống để cho người chơi đàn biểu diễn. Đó là các khúc dạo đầu, dạo giữa và dạo kết. Là nơi nhạc công có thể thoải mái trình diễn, để thể hiện bản thân và ghi điểm với khán giả.
Cách đệm đàn piano đúng và trúng
Đây là hai yếu tố cơ bản, cần thiết để tạo nên một phần đệm đàn piano tốt. Chơi đúng giọng và đúng hợp âm, phù hợp với giai điệu của ca khúc. Đàn đều nhịp, tốc độ theo ca sỹ yêu cầu và không được lúc nhanh lúc chậm. Thường nhạc công sẽ hay bị thúc nhịp (chơi nhanh) khi có giai điệu, cảm hứng dồn dập các phần điệp khúc. Một ca khúc bình thường có độ dài 4-5 phút sẽ bao gồm tầm 40-60 hợp âm, tùy từng bài. Việc cố gắng không để xảy ra sai sót đã là thành công lớn của người chơi đàn piano. Bí quyết đơn giản chỉ là: tập trung, thở đều.
Hỗ trợ ca sỹ trong suốt phần biểu diễn
Chỉ riêng cách đệm đàn piano đúng và trúng đã là một sự hỗ trợ lớn cho người hát. Đàn thế nào để người hát nghe rõ hợp âm nền, những phách mạnh đầu nhịp sẽ giúp tác phẩm được trình bày hoàn thiện.
Bên cạnh đó, trong suốt phần dạo nhạc, người đàn cũng cần chú ý để có những báo hiệu kịp thời giúp ca sỹ vào lời chính xác.
Những dấu hiệu nhận biết trong đệm hát piano càng quan trọng hơn khi xử lý các đoạn khó của bài, ví dụ các đoạn lên, hạ tone. Chỉ cần người đàn piano báo sai là ca sỹ sẽ vào lệch, tiết mục sẽ khó cứu chữa.
Nếu ca sỹ gặp sự cố bất ngờ như: nghẹn, sặc, ho,… Người đàn piano có thể chơi đè giai điệu phần ca sỹ bỏ lỡ cho tới khi hồi sức hát tiếp. Nếu cũng dừng lại theo thì coi như phần trình diễn sẽ bị bỏ dở, làm mất thiện cảm với khán giả.
Tạo cá tính, màu sắc cho bài hát
Ca khúc là phần hồn mà nhạc sỹ thổi vào, nhiệm vụ của nhạc công là hỗ trợ để nó sinh động hơn. Do vậy, trong suốt 4-5 phút ngồi đàn piano, người đệm cần chú ý tạo những sắc thái khác nhau cho mỗi đoạn trong bài hát, để đưa ca sỹ và thính giả đến các cung bậc cảm xúc khác nhau.
Kỹ thuật dùng trong cách đệm đàn piano
Kỹ thuật cơ bản nhất là dùng hợp âm đều đặn, đúng từng nhịp phách. Kỹ thuật này là nền móng để đảm bảo hai yếu tố đúng và trúng trong âm nhạc nên cần nắm vững.
Kỹ thuật rải hợp âm là 1 kỹ thuật khó hơn dập hợp âm. Đòi hỏi độ nhanh nhẹn, chính xác khi di chuyển ngón tay. Nó cho ra tiếng đàn liền mạch và dày hơn. Nhược điểm là: dễ gõ nhầm phím, dễ nhàm chán.
Ngoài ra khi solo piano, có thể sẽ cần dùng các kỹ thuật khó hơn như: đánh bè quãng 3-5-8 ở tốc độ cao, dùng nốt chùm 3,…
Lời khuyên cho người học cách đệm đàn piano
– Nghe kỹ, nghiên cứu bài hát sẽ thể hiện. Có 1 bản hòa thanh chuẩn làm kim chỉ nam.
– Hãy làm mọi thứ đơn giản: từ hợp âm sử dụng, cách đệm đàn piano đến đoạn solo.
– Tuyệt đối không chơi giai điệu trùng với lời hát của ca sỹ.
– Nắm vững các hợp âm chuẩn và 1 số hợp âm biến thể pha màu để linh hoạt sử dụng.
– Khi solo, chuyển tone có dấu hiệu nhận biết rõ ràng: ngắt đàn, rải hợp âm, báo chậm, hợp âm chuyển chính xác,…
– Kết hợp dùng nhiều kiểu đệm: dập, rải hợp âm,… làm phong phú tiết tấu ca khúc
– Không đệm nhiều và dày trong phần lời ca sỹ hát.
– Tư duy cho cách đệm đàn piano để tạo được ý đồ riêng, làm mới bản đệm.
– Dồn nhiều năng lượng, tăng lực nhấn ngón tay, bass quãng thấp, tiết tấu dày hơn cho các điểm nhấn của bài.